Dự án tín hiệu đường sắt 2.423 tỉ: phải mời nhà thầu Trung Quốc sửa
Thời gian cập nhật: 14/03/2020
Dự án hiện đại hóa tín hiệu Vinh - Sài Gòn thuộc tuyến đường sắt Thống Nhất (giai đoạn 1) do Công ty hữu hạn tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc làm tổng thầu, hiện đã hết thời hạn bảo hành thiết bị. Nhiều vấn đề ở nhiều ga
Theo Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn, đơn vị quản lý 23 ga sử dụng thiết bị tín hiệu điện khí tập trung 6502 (gọi tắt thiết bị 6502) do nhà thầu Trung Quốc lắp đặt, sau một thời gian sử dụng, có tới 12/23 ga đang "gặp vấn đề".
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt 2015 (quy chuẩn 08/2015) nghiêm cấm: "Đón hai tàu vào ga cùng một lúc, cấm đón và tiễn một tàu cùng chiều một lúc". Tuy nhiên với thiết bị 6502, các điều cấm trên lại có thể thực hiện cùng lúc.
Ngoài ra, có 7 ga có độ dốc lớn hơn 6‰ nhưng cuối đường đón - tiễn tàu lại chưa được lắp thiết bị để khống chế tàu nếu tàu hãm không kịp dẫn đến trôi xuống dốc.
Bên cạnh đó, khi mở tín hiệu tự động 6502 đón tàu đúng theo thiết kế cũng vi phạm quy chuẩn 08/2015 bởi thiết bị này quay ghi (thiết bị chuyển đường chạy) ở hai đầu ga cùng "ăn" vào một đường.
Trong khi theo quy định, lúc tránh tàu, ghi ở hai đầu ga phải thông vào hai đường khác nhau để tránh tàu va chạm.
Một cán bộ đường sắt từng phụ trách lĩnh vực an toàn cho biết để đối phó những hạn chế trên, ngành đường sắt lại "đẻ" ra quy tắc hướng dẫn nhân viên các ga được phép "cưỡng ép", tháo niêm phong kẹp chì trong đài điều khiển 6502, thực hiện đón tàu bằng phương pháp thủ công.
Phương pháp này được nhà thầu khuyến nghị chỉ sử dụng trong trường hợp đài điều khiển tự động bị hỏng hoặc có trở ngại.
Phương pháp thủ công lại không an toàn bởi chỉ cần nhân viên trong ga sơ suất trong tích tắc có thể bấm nút đón nhầm hai tàu vào một đường, minh chứng rõ nhất là vụ ở ga Suối Vận đêm 14-7-2017.
Ngoài ra, theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, tại ga Sông Lũy (Bình Thuận), trước kia có thể đoàn tàu từ 14 toa trở lên có thể tránh nhau "ngon lành" nhưng từ khi có thiết bị 6502, hai đoàn tàu phải từ 13 toa trở xuống mới tránh nhau được.
Điều này vô hình trung làm đoàn tàu bị khống chế ngắn lại, giảm năng lực vận chuyển đường sắt.
Đầu tư đường sắt chỉ 2-3% tổng vốn toàn ngành giao thông - Ảnh: NAM TRẦN
Do không làm chủ được công nghệ
Mới đây, Tổng công ty Đường sắt VN phải triệu tập các đơn vị tổ chức cuộc họp để tháo gỡ các vướng mắc về bất cập thiết bị 6502 trong tình cảnh an toàn giao thông đường sắt đang ở mức "báo động đỏ".
Ngành đường sắt dù đã nhận ra bất cập từ nhiều năm qua nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ triệt để do thiếu... tiền.
Theo tìm hiểu, tại cuộc họp, ông Hà Trọng Thắng - giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn - cho biết chi nhánh đã nghiên cứu xây dựng đầy đủ quy trình quy phạm "sống chung với bất cập" nhưng thiết bị 6502 lại quá phụ thuộc vào con người.
Trong khi, nếu thiết bị vận hành tốt, con người dù có muốn làm sai cũng rất khó.
Một số ga đã được đầu tư thêm đường, kéo dài đường ga nhưng cho tới nay chưa thể cải tạo đồng bộ hệ thống tín hiệu 6502. Do đó, công tác đón - tiễn tàu ở các ga trên vẫn phải vừa dùng thiết bị tự động vừa làm thủ công, gây khó khăn cho việc đảm bảo an toàn chạy tàu.
Một số cán bộ đường sắt cho rằng nguyên nhân chưa cải tạo được thiết bị tín hiệu ở các ga trên là do không làm chủ được công nghệ.
Bởi lúc chuyển giao, nhà thầu Trung Quốc không chuyển giao phần mềm đếm trục (thiết kế để ghi nhận vị trí đoàn tàu nằm trên đường ray) trong khi dự án đã hết thời gian bảo hành.
Ngành đường sắt muốn cải tạo thiết bị để sử dụng hết chiều dài của đường trong ga lại phải phụ thuộc vào chuyên gia Trung Quốc. Mà muốn chuyên gia sang giúp lại phải chi tiền.
Trong khi đó, theo Ban quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, với việc nhờ chuyên gia di dời thiết bị chỉ tính riêng ở ga Sông Mao dự kiến tiêu tốn mấy trăm triệu đồng, nhưng sau này muốn cải tạo lại còn phải mời thêm nhiều lần nên... rất lãng phí.
Tổng công ty Đường sắt VN đã nhiều lần đề xuất đồng bộ tín hiệu nhưng Bộ GTVT vẫn chưa đồng ý bởi chưa bố trí được nguồn vốn.
Theo một chuyên gia đường sắt, với việc quá phụ thuộc vào công nghệ của nhà thầu sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém chi phí nếu đường sắt VN sau này muốn mở rộng, cải tạo các đường trong ga nhằm tăng năng lực chạy tàu.